Dạy con trong hoang mang I

Giới thiệu

Dạy con ra sao khi thế giới không ngừng đổi thay?

Dạy con ra sao khi bài học hôm nay đã có thể trở nên lỗi thời vào ngày mai?

Dạy con ra sao giữa một rừng phương pháp nuôi dạy từ những nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức?

Có lẽ băn khoăn của mọi cha mẹ ngày nay là làm sao để truyền cho con những giá trị cốt lõi của cuộc sống, bằng một phương pháp phù hợp với hoàn cảnh xã hội và gia đình Việt Nam.

Đó cũng là điều mà “Dạy con trong hoang mang” hướng tới. Cuốn sách là đóng góp nhỏ của tác giả – Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh và sinh viên –  vào kho sách nuôi dạy con viết riêng cho cha mẹ Việt, với mong muốn “xây dựng các giá trị và triết lý giáo dục không chỉ cho mỗi gia đình mà còn cho cả nền giáo dục Việt Nam”.

Cuốn sách bao gồm gần 30 bài viết ngắn thảo luận những chủ đề khác nhau. Mỗi bài viết đều bắt đầu bằng một câu chuyện thực tế mà chính tác giả trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể lại từ những trường hợp tác giả tư vấn. Từ những vấn đề lớn như hướng nghiệp, giới tính, ngược đãi đến nhưng câu chuyện gần gũi hơn trong cuộc sống như khen con thế nào cho đúng, dạy con thế nào khi cha mẹ đã li dị hay chỉ đơn giản là có nên để con khóc thoả thích hay không. Tất cả các vấn đề đều được tác giả đem ra phân tích dưới góc độ văn hoá, lịch sử và khoa học, với những số liệu minh chứng rõ ràng, để từ đó giúp cha mẹ soi chiếu hành động của mình và tự hiểu ra vấn đề.

Một trong những bài viết ấn tượng nhất trong cuốn sách có lẽ là khi tác giả viết về lòng vị tha. “Nếu con tôi phát triển lòng vị tha thì nó sẽ thua thiệt trong cuộc đời hay sao?” – Đây là câu hỏi mà tác giả hay nhận được khi nói chuyện với bố mẹ về các nguyên lý nuôi con. Quả thực, trong xã hội ngày nay, khi người giúp người lại bị đánh, người tố giác hành vi ngược đãi trẻ em bị trả thù, khi việc sống cho “yên thân” là mục tiêu của mọi người thì lòng vị tha tự nhiên thành điều gì đó quá xa xỉ. Tuy nhiên, tác giả đã chứng minh điều ngược lại. Cảm thông thật ra không thua thiệt. Sự cảm thông và vị tha sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn, sống lâu hơn và thậm chí… quyến rũ hơn. Sự vị tha không đến từ những điều quá xa vời như cứu một người chết đuối hay dâng hiến tuổi xuân vì một mục đích cao cả. Vị tha chỉ đơn giản là những hành động vô tư như mỉm cười với một người lạ hay giúp đỡ một cụ bà qua đường.

Còn rất nhiều câu chuyện và bài học thú vị khác được nhắc tới trong cuốn sách. Chắc chắn cha mẹ nào cũng sẽ tìm thấy một “không gian” riêng của mình trong sách, với những câu chuyện mà cha mẹ có thể thật sự liên hệ với hoàn cảnh thực tại của mình.

 

Tác giả

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương

— Tiến sĩ lãnh đạo giáo dục chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại University of Southern  California (Mỹ).

— Trải qua 15 năm tư vấn học đường cho lứa tuổi mầm non đến đại học.

— Là người đầu tiên nhận giải “Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất” của Tổ chức International School Psychology Association, 2011.

— Là chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam.

Mục lục

1. TỔNG QUAN VỀ PHƯƠNG PHÁP NUÔI DẠY CON:

* Dạy con lối nào (Bốn lối dạy con theo nghiên cứu khoa học kinh điển)

2. NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ TRI THỨC

* Thông minh là định mệnh (Những giới hạn và khuyết điểm trong việc sử dụng chỉ số thông minh IQ)

* Mơ ước thủ khoa (Mối tương quan và bất tương quan giữa học giỏi trên ghế nhà trường và thành đạt ngoài xã hội)

* Cái bị sách (Nhận biết giá trị khác nhau giữa thông tin, kiến thức và hiểu biết sâu sắc)

3. BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH

* Suốt đời sợ hãi (Tác hại của -việc giáo dục con trẻ bằng sợ hãi)

* Nhục hình với trẻ (Tác hại của việc sử dụng nhục hình trong kỷ luật con trẻ)

* Con thuyền giấy tuổi thơ (Tác hại của bạo hành ngôn ngữ đối với trẻ)

* Thanh gươm trong tâm (Hiểm họa bạo lực học đường từ bạo lực gia đình)

4. KHEN THƯỞNG TRONG DẠY CON

* Hãy khoan hưởng thụ (Giá trị và lợi ích của việc xây dựng khả năng “nhịn thèm” cho trẻ)

* Dạy con tham nhũng (Lợi và hại của việc tưởng thưởng và hối lộ trong việc dạy con)

* Khen con phải lối (Tác dụng của khen con đúng cách và sai cách)

5. XÂY DỰNG TÍNH CÁCH CỦA TRẺ

* Sống bằng nắm đấm (Tầm quan trọng của khả năng vượt khó)

* Anh hùng đa lệ (Quan điểm khoa học về việc khóc)

* Dây đàn xấu hổ (Nguyên nhân, tác dụng, và ảnh hưởng của cảm giác xấu hổ trong giáo dục trẻ)

* Nở nụ từ tâm (Giá trị và lợi ích của việc xây dựng lòng vị tha cho trẻ)

6. NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI TRONG VIỆC DẠY CON

* Mặt nạ da người (Tác động của não trạng nghi kỵ lên đời sống tinh thần và nhân cách của trẻ)

* Tập nhiễm vô cảm (Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng vô cảm trong xã hội)

* Thành kiến võ đoán (Sự hình thành của thành kiến trong khung nhận thức của con trẻ)

* Không nghề nào hèn (Khuyến khích sự trân trọng với từng ngành nghề xã hội, không phân biệt sang hèn)

* Con theo phe cha (Chấn thương tâm lý hậu ly hôn của trẻ)

* Nghiệp báo bất nhân (Ảnh hưởng của một quan niệm sai lầm trong dân gian  đến tính cách của trẻ)

* Bố ơi! Bố ơi! (Nhận diện và vượt qua nỗi sợ và phân biệt người khuyết tật)

* Em thích con gái (Nỗi lòng của trẻ đồng tính)

7. QUÂN BÌNH GIỮA THÀNH  ĐẠT VÀ HẠNH PHÚC

* Trọn vẹn với thực tại (Dạy con tìm sự cân bằng trong hạnh phúc, thành đạt, học hành và chơi đùa)

* Thành công không hạnh phúc (Hiện tượng trầm cảm của trẻ em phải học quá nhiều)

8. VAI TRÒ CỦA MẸ TRONG DẠY CON

* Lòng mẹ trùng dương (Tác dụng của việc ôm ấp của mẹ khi trẻ mới chào đời)

* Mẹ, dòng sông quê (Sự an bình trong lòng mẹ nhìn từ quan điểm tâm lý học)

9. CÁC SINH HOẠT GIA ĐÌNH

* Chuyện thần tiên bên bếp lửa (Tác dụng của việc kể chuyện cho trẻ)

* Trông con bằng iPad (Lợi thế nào – hại ra sao)