Ngày 06 – 08/01/2024 tại Hà Nội, Trung tâm trẻ em và phát triển (CCD) phối hợp Trung tâm hỗ trợ phát triển Nông nghiệp hữu cơ (CODAS) trong kế hoạch hợp tác nghiên cứu NIFAM (Nghiên cứu can thiệp dự báo và giám sát dinh dưỡng – Nutrition Intervention Forecasting and Monitoring), tổ chức tập huấn “Giáo dục dinh dưỡng và cách tiếp cận thực phẩm lành mạnh thông qua giáo dục trải nghiệm tích hợp liên môn trên mô hình vườn trường sinh thái”. Tập huấn là kết nối hợp tác giữa các kết quả nghiên cứu NIFAM với giáo dục môi trường gắn với dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, giúp học sinh, giáo viên và phụ huynh nâng cao kiến thức để cải thiện thói quen tiêu dùng thực phẩm và thúc đẩy các chính sách liên quan đến dinh dưỡng cho người Việt Nam.
TS Lưu Quốc Toản, Trường Đại học Y tế Công Cộng cho biết “Nấu ăn là nhân sinh”. Để giáo dục dinh dưỡng không dừng lại ở lý thuyết trong các giờ giảng dạy mà trở thành lối sống lành mạnh, gắn giáo dục dinh dưỡng với giáo dục sức khỏe để góp phần giảm suy dinh dưỡng thể béo phì trong học sinh tại trường học đến năm 2025 xuống dưới 19% trên toàn quốc và dưới 27% ở khu vực thành thị. Việc chọn thực phẩm phù hợp với khẩu phần ăn dinh dưỡng ở từng lứa tuổi còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố trong bảo quản và chế biến. Các kiến thức bản địa với món ăn vùng miền gắn liền với văn hóa địa phương, khí hậu, môi trường ở từng vùng miền tại Việt nam là các thông tin quan trọng để thiết kế hoạt động học tập về dinh dưỡng trong trường học.
TS Lưu Quốc Toản chia sẻ thêm, mặc dù Thủ tướng chính phủ và Bộ Giáo dục đã có cắc văn bản, chính sách hướng dẫn thực hiện giáo dục dinh dưỡng trong trường học từ mầm non đến đại học như Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường 2021-2025; Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5 tháng 1 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường 2021-2025 về Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT ngày 10/8/2022 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức công tác bữa ăn học đường kết hợp tăng cương thể lục trong trường mầm non, tiểu học, tuy nhiên nội dung giáo dục dinh dưỡng chưa được xác định và hướng dẫn cụ thể cho từng cấp học, chưa có chương trình đào tạo về dinh dưỡng tại trường học.
Ông Trần Mạnh Chiến, CEO chuỗi thực phẩm Bác Tôm, Trưởng mạng lưới hữu cơ PGS Việt Nam, Ủy viên BCH Hiệp Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chia sẻ “Trách nhiệm của các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục cần giúp người tiêu dùng nhận biết thực phẩm hữu cơ. Làm sao để thực phẩm hữu cơ dễ tiếp cận, hiểu rằng chọn thực phẩm gắn liền với sức khỏe”
Bà Phí Mai Chi, thành viên tư vấn dự án Trường học sinh thái cho biết trẻ em có quyền được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh. Thức ăn là một trong những vấn đề thiết yếu của đời sống đảm bảo quyền sống còn và phát triển của trẻ. Trẻ có quyền được giáo dục môi trường, tiếp cận thông tin về thức ăn, thực phẩm phù hợp với ngôn ngữ, lứa tuổi, nhu cầu tâm sinh lý, hoàn cảnh… của trẻ, là điều quan trọng để trẻ có khả năng tự học hỏi, tham gia và ra quyết định ăn gì, uống gì, có phù hợp với nhu cầu của bản thân và sức khỏe trong đời sống không?. Vì vậy các bài học về dinh dưỡng cần được chuyển hóa thành các hoạt động trải nghiệm, cuộc thi, sách truyện, game tương tác, có thể trực tiếp hoặc trực tuyến…. Dự án trường học sinh thái đang có chương trình thực tập sinh dành cho học sinh trung học để các em tham gia các trải nghiệm xanh về môi trường và thiết kế game về lối sống sinh thái bằng ngôn ngữ lập trình Scratch, chúng tôi hy vọng chủ đề dinh dưỡng, sức khỏe và thực phẩm địa phương sẽ là một trong những chủ đề đầu tiên được học sinh quan tâm và tham gia thiết kế
Bà Lê Thị Mai Hương, Hiệu phó trường phổ thông Thực nghiệm chia sẻ. Giáo dục dinh dưỡng cần được da dạng hóa bằng các hình thức khác nhau trong từng tiết học, môn học của từng lớp. Ngoài chương trình chính khóa, nhà trường tổ chức ngày hội ẩm thực. Trước ngày hội, học sinh trung học làm video để hiểu về công việc của người nấu ăn, tại sao phải phân loại ràc, học về biết ơn với những người làm công việc chăm sóc như đầu bếp, lao công trong trường, các video được chia sẻ trong từng lớp học, khối lớp. Trong ngày hội một số trò chơi game với sự hướng dẫn của học sinh trung học cho học sinh tiểu học cách ủ rác, học sinh đổi rác lấy cây. Với sự kiện trong dịp Tết mang bánh kẹo, quần áo từ thiện quyền góp cho trẻ em nghèo. Đặc biệt, khuyến khích học sinh trung học làm dự án, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ em tiểu học.
Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) đặt vấn đề dinh dưỡng trong nhà trường cần được tiếp cận dưới góc độ về Quyền trẻ em để kêu gọi sự tham gia và đồng hành từ nhiều bên liên quan. Thông qua chương trình Trường học sinh thái đang triển khai tại nhà trường, CCD mong muốn cùng các đơn vị chung tay giáo dục trẻ về dinh dưỡng lành mạnh, tình yêu thiên nhiên, môi trường thông qua cách tiếp cận giáo dục tích hợp liên môn trên không gian vườn.
Trong 2 ngày, đại diện của các bên liên quan đã chia sẻ các chủ đề nhằm thúc đẩy các hoạt động giáo dục dinh dưỡng trong trường học tiếp cận dưới góc độ Quyền trẻ em về môi trường được sống lành mạnh, an toàn.
– Cách nhận biết thực phẩm lành và thực phẩm hữu cơ, truy xuất nguồn gốc
– Kiến thức về thực phẩm và nhận biết các loại thực phẩm khác nhau
– Dinh dưỡng trong thực phẩm và sự thay đổi trong chế biến
– Môi trường chính sách và các vấn đề dinh dưỡng học đường
– Quyền trẻ em về môi trường và Trường học sinh thái
– Mô hình giáo dục kinh tế tuần hoàn – Kết nối vườn trường đến bàn ăn
– Kỹ năng thúc đẩy trong giáo dục cộng đồng – Đề xuất hợp tác mạng lưới Nifam với 10 trường tiên phong tại Hà nội (hướng tới giáo dục môi trường gắn với Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm)
Tham gia tập huấn có 35 thành viên là các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội môi trường và giáo viên, doanh nghiệp đến từ Trường Đại học Y tế công cộng, Viện nghiên cứu Rau quả, Đại học Nông nghiệp, các thầy, cô đến từ một số trường công và tư trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch trên địa bàn. Sau hội thảo, các thành viên có khả năng định hướng và thiết kế hoạt động giáo dục dinh dưỡng dựa trên kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ, một kế hoạch hành động để thúc đẩy giáo dục dinh dưỡng trong và ngoài trường học với các bên liên quan tham gia gồm thành viên mạng lưới Nifam phối hợp với mạng lưới Trạm học xanh để kết nối trường học với doanh nghiệp địa phương, khuyến nghị với các bộ ngành liên quan đưa giáo dục môi trường và hướng nghiệp phát triển bền vững trong đó có giáo sức khỏe gắn với giáo dục dinh dưỡng, thực phẩm địa phương là nội dung giáo dục trong Chương trình Trường học sinh thái.