Hà Nội – Ngày 27/3/2022 , nhằm hướng đến việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ mầm non tiểu học (người đọc phụ thuộc) và nuôi dưỡng năng lực tự học tự lập cho học sinh trung học (người đọc độc lập), Trung tâm Trẻ em và phát triển (CCD) đã phối hợp cùng Làng trẻ em SOS và hệ thống trường Hermann Gmeiner tổ chức chương trình phi lợi nhuận Đào tạo Đại sứ Happy Reading – Lan tỏa văn hóa đọc trong lớp học, trường học. Chương trình được khởi tạo và kế thừa từ Dự án Reading VietNam, một dự án đọc có mặt ở 48 quốc gia và được UNESCO công nhận là dự án truyền cảm hứng và hiệu quả nhất trên thế giới (có tên gọi quốc tế là We love Reading)
Chương trình Đào tạo Đại sứ Happy Reading đồng hành cùng làng trẻ em SOS và hệ thống trường Hermann Gmeiner đã diễn ra trong 2 tuần (khai giảng ngày 15.3.2022 và bế giảng ngày 27.3.2022). Chương trình đào tạo kỹ thuật đọc, cách tổ chức hoạt động đọc và chuyển giao quy trình vận hành CLB đọc trong lớp học, trường học. Chương trình tiếp cận 134 học viên trong đó có 64 học viên đến từ làng SOS, 30 học viên là các thầy cô giáo/người quan tâm tới giáo dục,, 40 học viên là nhà quản lý giáo dục, với sự đồng hành và hỗ trợ của trên 50 đại sứ đọc đến từ Reading Vietnam và thủ lĩnh đọc đến từ Trí tuệ Việt Nam, hiện diện ở 34 tỉnh/thành phố trên cả nước. Học viên cùng nhau học tập trực tuyến trong 2 tuần và cam kết thực hành trong 20 tuần liên tục sau đó. Nội dung gồm cách xác định mục đích đọc, cách chọn sách theo tâm sinh lý của trẻ, đọc sách thị phạm, đọc sách phản biện, cách tổ chức hoạt động đọc trong không gian thiên nhiên và không gian văn hóa, lịch sử, cuối khóa được chuyển giao quy trình vận hành CLB đọc trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) và CLB đọc lớp học (gồm trong trường học và ngoài trường học). Chương trình thiết kế với tổng số giờ học tập hơn 1.800h, hơn 1.200 bài tập cùng làm, hơn 2000 giờ tương tác trao đổi kinh nghiệm, hơn 800 tài nguyên mở được tạo ra (danh mục sách khuyến đọc, video đọc sách thị phạm, mẫu thiết kế hoạt động đọc, mẫu vận hành CLB đọc); Dự kiến có gần 100 chương trình hành động triển khai khai CLB đọc tại trường học, lớp học trong hệ thống làng SOS và các địa phương trên toàn quốc.
Bản đồ đại sứ Happy Reading
Sau 20 tuần thực hành gây dựng CLB đọc, học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận trở thành Đại sứ Happy Reading – những người sẽ đồng hành tổ chức, lan toả văn hóa đọc trong lớp học, trường học trên toàn quốc (các đại sứ tham gia Hành trình đào tạo và có chỉ số chăm sóc trên 90, có khả năng tương tác và kết nối trẻ trong các buổi đọc trên nguyên tắc tôn trọng quyền trẻ em, có kế hoạch hành động sau khóa đào tạo & Tham gia CLB Đại sứ Happy Reading K0122 tối thiểu 20 tuần). Chương trình tri ân và tôn vinh rất nhiều Đại sứ Happy Reading, thành viên Ban điều hành mặc dù bị mắc bệnh hoặc phải chăm sóc bệnh nhân COVID nhưng đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, trong tình trạng bị cách ly vẫn theo đuổi trọn vẹn khóa học và hành trình chuyển giao vận hành CLB đọc.
Đại sứ Happy Reading đọc sách tại Làng trẻ SOS
6 dự án của học viên xuất sắc nhất sẽ được nhận tài trợ để triển khai CLB đọc trong lớp học/trường học. Trong đó có 3 dự án thuộc làng trẻ em SOS và 3 dự án trong lớp học, trường học sẽ được hỗ trợ gói tư vấn và đồng hành (đánh giá sau 20 tuần) [các tiêu chí tuyển chọn đại sứ, trao giải: học viên có tinh thần để sẵn sàng trở thành Đại sứ Happy Reading lan tỏa dự án Happy Reading, có khát khao, trăn trở làm văn hóa đọc, các CLB được lựa chọn ở 3 miền Bắc, Trung, Nam].
Với tinh thần thiện nguyện, các Đại sứ Happy Reading luôn sẵn sàng đóng góp trí tuệ, tình yêu thương và thời gian để truyền cảm hứng TỰ HỌC – TỰ CHỦ, cam kết đồng kiến tạo, hợp tác, hỗ trợ câu lạc bộ đọc và lan tỏa văn hóa đọc trong lớp học, trường học trên toàn quốc. Để kiến tạo nên văn hóa đọc trong lớp học, trường học, các Đại sứ Happy Reading cam kết thực hiện 5 HOÀ TRONG VĂN HOÁ CỦA ĐẠI SỨ HAPPY READING: Quan sát, chăm sóc, trách nhiệm,đồng kiến tạo, hội nhập
- 1.Quan sát: Lấy quan sát trẻ để học trẻ và hoàn thiện chính mình. Học – Hiểu – Hành
- 2.Chăm sóc: Lấy chăm sóc để kết nối vòng tròn yêu thương. Hiểu mình để Hiểu người
- 3.Trách nhiệm: Lấy trách nhiệm làm gương Tự học – Tự chủ. Giúp người là giúp mình;
- 4.Đồng kiến tạo: Lấy đọc là niềm vui kiến tạo. Học để Sống
- 5.Hội nhập: Lấy hội nhập tinh hoa. Không hòa tan văn hóa
Bà mẹ tại Làng SOS tổ chức hoạt động đọc
THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN ĐỌC HAPPY READING
Dự án Happy Reading do Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) khởi tạo.
Dự án đào tạo Đại sứ Happy Reading và chuyển giao quy trình vận hành CLB đọc trong lớp học, trường học với cam kết:
Lấy đọc sách là nền tảng giúp học sinh phát triển nhân cách, có năng lực tự hướng nghề nghiệp, trở thành công dân toàn cầu. Các đại sứ Happy Reading là người truyền cảm hứng TỰ HỌC – TỰ CHỦ. đồng kiến tạo, hợp tác, hỗ trợ câu lạc bộ đọc và lan tỏa văn hóa đọc trong lớp học, trường học thông qua chuyển giao mô hình CLB trong lớp học, trường học (Tạo – Dựng – GIeo – Dưỡng – Dục 01234)
0 – Bắt đầu giáo DỤC bằng giờ đọc hạnh phúc 20:20:20 (20 phút/ngày; 20 cuốn sách; 20 buổi đọc)
1 – Một bí mật nuôi DƯỠNG văn hóa đọc (CLB đọc sách)
2 – Hai hạt nhân GIEO thói quen đọc cho trẻ em (giáo viên, cha mẹ)
3 – Ba nhân tố gây DỰNG văn hóa đọc (Nhà trường, gia đình, xã hội)
4 – Bốn thành phần TẠO hệ sinh thái đọc (không gian, thời gian, hoạt động đọc, nội dung đọc)
Dự án Happy Reading dự kiến phát hành 10.000 Bộ cẩm nang đọc – Lan tỏa văn hóa đọc trong lớp học, trường học dành cho giáo viên, cha mẹ và học sinh
Dự án đang triển khai kế hoạch gây quỹ tặng cuốn sách Cẩm nang đọc dành cho 2 độ tuổi Mầm non/tiểu học và Cấp trung học cho 17 làng trẻ em SOS và hệ thống trường Hermann Gmeiner thuộc làng cùng một số Trường dân tộc nội trú trên toàn quốc.
– Sách xanh: Hình thành thói quen đọc cho trẻ mầm non/tiểu học – người đọc phụ thuộc – vui đọc
– Sách vàng: Nuôi dưỡng năng lực tự học – tự chủ cho trẻ trung học – người đọc độc lập – đọc phản biện
Dự án tổ chức miễn phí 2 khoá đào tạo thường niên cho Đại sứ Happy Reading theo 2 cấp độ đọc là đọc phụ thuộc (dưới 12 tuổi) và đọc độc lập (trên 12 tuổi)
○ Khóa tháng 1 – Mùa xuân Tết sách
○ Khóa tháng 6 – Mùa hè trải nghiệm
> Clip Hành trình Đại sứ Happy Reading: https://www.youtube.com/watch?v=p1o463WbxEc
THÔNG TIN THÊM:
Về Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD)
- Tạo hệ sinh thái giáo dục với sự tham gia của cộng đồng cha mẹ, nhà thực hành giáo dục, nhà nghiên cứu, quản lý, đầu tư và truyền thông…..giúp trẻ có trách nhiệm với bản thân, sống kết nối với thiên nhiên và cống hiến vì cộng đồng
- Thúc đẩy diễn đàn giáo dục trong nước và quốc tế, nghiên cứu và thực hiện mô hình giáo dục mới cho trẻ em, nền tảng là giáo dục gia đình.
- Đồng hành cùng cha mẹ, giáo viên hiện thực hóa tình yêu thương và trách nhiệm dựa trên sự tôn trọng quyền trẻ em.
Về các dự án liên quan của CCD:
Dự án giáo dục trải nghiệm & hướng nghiệp Ikigai Việt Nam
Ikigai Vietnam cung cấp các khóa học và tư vấn để thiết kế các hoạt động TRẢI NGHIỆM VÀ HƯỚNG NGHIỆP cho học sinh thông qua Social Studies để làm dự án xã hội và thương mại nhằm phát triển bản thân, chuẩn bị tâm thế bước vào thị trường lao động. Triết lý giáo dục của IKIGAI Vietnam NGHỀ LÀ NGƯỜI
Dự án Trồng cây Trồng người
Chia sẻ kiến thức về trồng cây đô thị và triết lý giáo dục qua mô hình vườn sinh thái phát triển bền vững; Thúc đẩy ý tưởng/kế hoạch phát triển mô hình “Trồng cây-Trồng người:Trải nghiệm xanh” theo đặc điểm vùng địa lý và văn hóa trên toàn quốc; Đặc biệt thiết kế các XƯỞNG HỌC trên vườn. Đồng kiến tạo cộng đồng TRỒNG CÂY – TRỒNG NGƯỜI. Kết nối các nhà thực hành giáo dục (giáo viên, cha mẹ, người quan tâm giáo dục) vói các doanh nghiệp thông qua các hoạt động Trải nghiệm xanh vì sự phát triển bền vững.
Về Làng trẻ em SOS
Làng trẻ em SOS là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi tôn giáo giúp đỡ và bảo vệ trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ tại 136 nước, được thành năm 1949 bởi Hermann Gmeiner ở Áo. Là tổ chức đứng thứ 33 trong số 100 tổ chức phi chính phủ trên thế giới về “tầm ảnh hưởng toàn cầu”.
Mục đích của Làng trẻ em SOS nhằm mang lại “sự quan tâm chăm sóc như trong một gia đình” cho
trẻ nghèo đói, lang thang và trẻ mồ côi, bị xâm hại, bị bạo lực, bị bệnh tật. Những đứa trẻ được giúp đỡ để trở lại cuộc sống sau những tổn thương tâm lý và ngăn chặn những mối nguy hiểm như bị bỏ rơi, đối xử bất công, ngược đãi.
Các làng SOS hoạt động theo 4 nguyên tắc chung
Trên toàn thế giới, gồm: “Bà mẹ, các anh chị em, ngôi nhà gia đình và cộng đồng làng”. Trong đó, nhân tố chính là các “bà mẹ” – làm chủ một “ngôi nhà gia đình”, chịu trách nhiệm nuôi dưỡng từ 8 đến 10 “đứa con” (từ sơ sinh đến 18 tuổi) như những người mẹ khác trong xã hội.
SOS Việt Nam bắt đầu từ 2 ngôi làng Gò Vấp và Đà Lạt vào năm 1968, sau chiến tranh, năm 1987, Chính Phủ Việt Nam mời SOS trở lại Viêt Nam trong nhóm các tổ chức quốc tế đầu tiên. Đến nay, SOS đã có 17 Làng với gần 250 nhà gia đình và lưu xá cho thanh niên nam từ 14 tuổi trở lên cùng với 12 trường Hermann Gmeiner từ cấp 1 đến cấp 3 tại 17 tỉnh, thành phố và 1 trường nghề tại Việt Trì.
Thông tin liên hệ:
Ms. Lê Thu Hà – Phụ trách truyền thông
Mobil: 0986-858-944.
Email: [email protected]