Quyền trẻ em và xây dựng quy tắc ứng xử trong gia đình (Phần 2)

KHUNG NỘI DUNG ĐỂ XÂY DỰNG QUY TẮC ỨNG XỬ CÁC CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH DỰA TRÊN QUYỀN TRẺ EM

Cùng chung sống với cha, mẹ

1. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình tạo môi trường, không gian để trẻ em được sống với cha, mẹ (đặc biệt với trẻ dưới 8 tuổi). Trong trường hợp cha mẹ thực hiện hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, không đủ điều kiện nuôi dạy trẻ theo quy định pháp luật thì phải buộc hạn chế quyền của cha mẹ, tách trẻ em khỏi cha mẹ để bảo đảm an toàn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em[1]

Khai sinh 

2. Cha mẹ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em trước 60 ngày kể từ ngày sinh [2]

Chăm sóc, nuôi dưỡng 

3. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi; thường xuyên liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để được hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; Bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng độ tuổi; Thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh cho trẻ em; Khi mang thai có trách nhiệm tiếp cận dịch vụ y tế để được tư vấn sàng lọc, phòng ngừa các bệnh tật bẩm sinh cho trẻ em

Học tập và phát triển

4. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm gương mẫu về mọi mặt cho trẻ em noi theo; học tập để có kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

5. Cha mẹ có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập bắt buộc ở cấp tiểu học; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn; Phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển tài năng, năng khiếu của trẻ em; Tạo cơ hội trẻ làm việc, giáo dục hướng nghiệp phù hợp[3]

Sự tham gia của trẻ em trong gia đình[4]

6. Tạo điều kiện hướng dẫn trẻ em tiếp cận nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và mức độ trưởng thành của trẻ em để tham gia vào quá trình ra quyết định;  Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em và Điều kiện, hoàn cảnh của gia đình; Tạo Điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với những quyết định, vấn đề của gia đình liên quan đến trẻ em.

7. Tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, sinh hoạt hội nhóm phù hợp với sở thích, độ tuổi; Không cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư [5]

8. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại, Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Cha mẹ chấp hành các quyết định, biện pháp của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; 

9. Bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình (trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em); Cha mẹ sử dụng thông tin cá nhân trên 7 tuổi của trẻ cần hỏi ý kiến. Thông tin bí mật riêng tư gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em

Bảo đảm và hỗ trợ trẻ thực hiện quyền dân sự[6]

10. Cha mẹ  và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em thông qua quyền giám hộ/đại diện pháp luật; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự liên quan đến nhân thân, nơi cư trú, tài sản…  theo quy định của pháp luật 

11. Cha mẹ chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện giao dịch dân sự trái pháp luật. Trường hợp trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha mẹ của trẻ em phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em gây ra theo quy định của pháp luật.

12. Cha mẹ của trẻ em phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Hỗ trợ trẻ thực hiện quyền và bổn phận 

13. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình giáo dục và giúp đỡ để trẻ em hiểu và thực hiện được các quyền: Quyền sống, Quyền được khai sinh và có quốc tịch, Quyền được chăm sóc sức khỏe, Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, Quyền vui chơi, giải trí, Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc, Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Quyền về tài sản, Quyền bí mật đời sống riêng tư, Quyền được sống chung với cha, mẹ, Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi, Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt, Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy, Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang, Quyền được bảo đảm an sinh xã hội, Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp, Quyền của trẻ em khuyết tật, Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn

14. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình giáo dục và giúp đỡ để trẻ em hiểu và thực hiện được các bổn phận trong gia đình:

  • Với bản thân: Có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân; Sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể; Chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang; Không đánh bạc; không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác; Không sử dụng, trao đổi sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
  • Với gia đình: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, dòng họ; Học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.

 

KẾT NỐI VỚI CÁC BÊN LIÊN QUAN TĂNG CƯỜNG TÍNH TRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ 

  • Cha mẹ phải làm việc với các bên cung cấp dịch vụ nhằm xác định những rủi ro tiềm tàng của các bên liên quan này với quyền trẻ em – những khác biệt của họ so với các hoạt động nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình (ví dụ, các chính sách và quy tắc ứng xử có liên quan tới quyền trẻ em, sức khỏe và an toàn, quyền riêng tư, nhà cung cấp, hoạt động tiếp thị, mua sắm và đạo đức)
  • Ưu tiên nguồn lực gia đình cho những vấn đề quan trọng theo nhu cầu cá nhân của mỗi trẻ, xác định các rủi ro từ đó tìm kiếm nguồn lực, người hỗ trợ, chăm sóc thay thế cho trẻ, đặt biệt với trẻ khuyết tật. 
  • Kết nối với các nhà chuyên môn, chuyên gia tư vấn, đào tạo để trau dồi kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
  • Cha mẹ có trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, thông báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trong và ngoài gia đình; Có trách nhiệm lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho trẻ em trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật.

 

Ghi chú:

[1] Điều 31, 32, 38  Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em (chăm sóc thay thế và tách trẻ em khỏi cha mẹ trong trường hợp khẩn cấp)

[2] Điều 15 Luật hộ tịch năm 2014 và Điều 27 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính bổ trợ hành chính tư pháp

[3] Điều 9, 14 Luật Giáo dục năm 2019 (phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục hướng nghiệp)

[4] Điều 74, 75, 78 Luật trẻ em năm 2019

[5] Điều 33,34,35,36,37 Luật Trẻ em năm 2019

[6] Điều 21,41, 47, 52, 55, 56, 136 Luật Dân sự 2015

_________________________________________

Chuyên gia EFL:

Phí Thị Mai Chi

  • Làm việc tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội 
  • Sáng lập Trung tâm Trẻ em và Phát triển tạo hệ sinh thái giáo dục, trọng tâm giáo dục gia đình dựa trên quyền trẻ em 
  • 25 năm nghiên cứu và thực nghiệm mô hình giáo dục mới cho trẻ em và gia đình 
  • Phát triển chương trình đào tạo cho cha mẹ, giáo viên và trẻ em về Quyền trẻ em; giới tính và tình dục và giáo dục hướng nghiệp 
  • Tư vấn và triển khai dự án CSR cho doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ liên quan đến trẻ em