Quyền trẻ em và xây dựng quy tắc ứng xử trong gia đình (Phần 1)

  1. Tại sao phải thực hiện quyền trẻ em trong gia đình?

Việt Nam ký công ước LHQ về Quyền trẻ em năm 1990. Cho đến nay, Công ước Quyền trẻ em đã được vào chương trình giáo dục trong nhà trường và xu­­­­­ất hiện phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đa phần cha mẹ chưa được đào tạo và tiếp cận đầy đủ về Công ước Quyền trẻ em và các quy định pháp luật hiện hành tại Việt nam có liên quan đến việc thực hiện Quyền. Chính vì vậy, việc thực hành Quyền trẻ em trong việc nuôi dạy trẻ tại gia đình chưa thật sự được quan tâm. Phần lớn cha mẹ gặp khó khăn khi thiết lập nguyên tắc ứng xử phù hợp dựa trên Quyền. Trong gia đình, quyền được chăm sóc và phát triển được quan tâm vì tương đối phù hợp với văn hóa và thực hành tín ngưỡng  của người Việt. Tuy nhiên quyền được bảo vệ và tham gia chưa được hiểu đúng và đủ, thâm chí có một số thực hành Quyền trẻ em mâu thuẫn với phong tục tập quán, hành vi ứng xử xã hội thông thường ở một số địa phương của Việt Nam. Nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em đã vô tình hoặc cố ý xảy ra vì cha mẹ và trẻ em đều không được tiếp cận đủ thông tin đúng và đủ.

Bài viết này đưa ra khung nội dung giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình cùng nhau xây dựng quy tắc ứng xử dựa trên Quyền Trẻ em và văn hóa gia đình. Các nội dung tập trung vào cả 4 nhóm quyền: Quyền chăm sóc, Quyền phát triển, Quyền tham gia và Quyền được bảo vệ trẻ em trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ. Việc cha mẹ nhận thức đầy đủ quyền trẻ em sẽ đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm nuôi dạy trẻ ở các vai trò khác nhau trong những không gian khác nhau.

  1. Lý do chính khiến cha mẹ cần xây dựng và thực hành quy tắc ứng xử dựa trên Quyền

Trẻ em là nhóm người được ưu tiên, đồng thời là người dễ bị tổn thương, cần sự quan  tâm đặc biệt. “Các quy tắc ứng xử trong gia đình” giúp cha mẹ, là người có quyền lực hơn kiểm soát việc ra quyết định để giảm thiểu bạo lực, nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Việc ứng xử của các thành viên lớn tuổi trong gia đình có thể không gây ảnh hưởng tới quyền của người trưởng thành, nhưng lại bất lợi tới trẻ em. Đồng thời, cha mẹ cần xem xét tác động tích cực và tiêu cực gián tiếp gây ra thông qua việc lực chọn nhà cung cấp dịch vụ cho trẻ như chọn trường lớp phù hợp với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ (chuyên biệt hay hòa nhập, trường chuyên hay trường phổ thông), chọn đồ chơi, hoạt động ngoại khóa, dịch vụ chăm sóc đảm bảo sự an toàn….

Trẻ em vừa là người có quyền, vừa là một bên liên quan trong tương tác hàng ngày cùng cha mẹ – trẻ có thể đóng vai trò là người được bảo trợ chăm sóc, người làm việc hỗ trợ, người tiêu dùng và là một thành viên trong gia đình. Cha mẹ là người bảo trợ hợp pháp cho trẻ dưới 18 tuổi nhưng không tước quyền tham gia, cùng ra quyết định như một bên liên quan của trẻ.  Việc xem xét các yếu tố phong tục tập quán với quyền trẻ em nhằm giúp cha mẹ đưa ra quy tắc ứng xử riêng biệt nhưng không vi phạm pháp luật khi thực hành quyền trong hoạt động sống của trẻ tại mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc am hiểu, thiếu thông tin về luật pháp, chính sách, dịch vụ cơ bản liên quan đến trẻ em còn thiếu khiến việc thực hành các quy tắc ứng xử về quyền trẻ em trong gia đình chưa được thực hiện đầy đủ, đặc biệt quyền được bảo vệ và quyền tham gia.

  1. Quyền trẻ em và Quy tắc ứng xử trong gia đình

Quyền trẻ em và quy tắc ứng xử tại gia đình theo tiêu chuẩn luật pháp quốc gia và quyền con người toàn cầu dựa trên khung giá trị và hành động “Phát triển, Tôn trọng, Bảo vệ và  Biện pháp khắc phục’ của  Liên hợp quốc. Quy tắc ứng xử được xây dựng trên cơ sở các điều ghi tại Công ước LHQ về Quyền của Trẻ em và Luật trẻ em. Các văn bản này công nhận trẻ em có quyền về dân sự, chính  trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Hai văn bản này nêu rõ quyền trẻ em cần được bảo trợ bởi nhà nước; các hiệp hội, tổ chức giáo dục và gia đình.

Các quy tắc ứng xử giúp cha mẹ đảm bảo trách nhiệm của các thành viên gia đình dựa trên phân tích nguồn lực của mỗi gia đình; Cùng thực hành giúp trẻ có khả năng phát triển phù hợp ở môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Quy tắc ứng xử thúc đẩy trách nhiệm của cha mẹ với trẻ em trong những bối cảnh sống khác nhau, bao gồm việc nuôi dạy, bảo vệ, cung cấp thông tin, hỗ trợ phát triển nhận thức và kỹ năng xã hội; Đảm bảo quá trình trưởng thành, trẻ được học hỏi để trở thành công dân có nhận thức đầy đủ quyền con người, có khả năng ứng phó với các trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp.

Bài viết liên quan:

Khung nội dung xây dựng quy tắc ứng xử trong gia đình (xem link giới thiệu tại phần 2)