Khi nói đến dinh dưỡng, thông thường ở một đất nước nghèo như Việt Nam, chúng ta nghĩ ngay đến các loại thực phẩm bổ dưỡng, như thịt, cá, trứng, sữa… Gần đây mọi người đã nói nhiều hơn về vai trò của các loại rau củ quả như nguồn quan trọng cung cấp các vitamin khoáng chất. Mọi người nhận thức được cần có nguồn dinh dưỡng cân bằng thì cơ thể mới mạnh khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chính các vitamin và khoáng chất có vai trò quyết định trong việc cơ thể hấp thụ các dưỡng chất như thế nào, có hiệu quả không, có cân đối không? Nếu không được hấp thụ một cách cân đối, sự dư thừa thức ăn cũng nguy hiểm không kém so với sự thiếu thốn.
Ngày nay, những thành tựu của ngành nông nghiệp cho phép đa số chúng ta có đầy đủ, thậm chí dư thừa thức ăn. Con trẻ được nuôi tốt, và cao lớn hơn trước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bệnh tật cũng nhiều hơn. Các loại bệnh mất cân bằng chuyển hóa, bệnh của “nhà giàu”, trở nên phổ biến hơn. Ở đây, có vai trò quan trọng của vitamin và khoáng chất, những loại dinh dưỡng thường không nhìn thấy rõ.Người mẹ nào cũng sẽ thấy áy náy khi các bữa ăn cho con thiếu thịt cá, song sẽ rất ít người nghĩ đến việc bữa ăn của gia đình mình đã đủ vitamin và khoáng chất hay chưa? Thậm chí nếu có nghĩ đến thì cũng không dễ giải quyết.
Chúng ta chỉ biết chung chung là trong các loại thực phẩm, đặc biệt là rau quả có nhiều vitamin, trong một số thức ăn có khoáng chất… Vấn đề thử thách nằm ở chỗ, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta không còn được nuôi trồng một cách tự nhiên nữa, hoặc có được nuôi trồng tự nhiên thì đất đai đã cằn cỗi, thậm chí ô nhiễm hơn, và do đó không còn đảm bảo cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất như đáng ra chúng đã có. Những vitamin và khoáng chất – các vi chất này, chỉ cần rất ít song lại rất quan trọng. Bản thân chúng được tổng hợp và hình thành trong các loại thực phẩm qua một quá trình phức tạp, đòi hỏi môi trường sống tự nhiên, không dùng hóa chất, tăng trọng và các loại phân bón hóa học… trải qua cả những ngày đẹp trời lẫn khi dông bão, những ngày khô hạn và những mùa lũ lụt… Trứng gà công nghiệp chắc chắn sẽ không nhiều khoáng chất và tốt tự nhiên như trứng gà nuôi thả; rau thơm trồng trong nhà kính có thể tươi tốt hơn song cũng không thơm và có nhiều vi chất như rau thơm trồng trên đất cằn. Nhiều loại thảo mộc mọc hoang dã trong thiên nhiên đã được dân gian dùng làm thuốc. Dường như môi trường càng trong lành tự nhiên, thiên nhiên càng khắc nghiệt, thì các cây cỏ đó càng chứa đựng những vi chất quý giá giúp cho con người khỏe hơn…
Ở đây đã có thể thấy được sự tương đồng đến kỳ lạ của những khái niệm đó trong giáo dục. Nếu nhìn nhận chương trình đào tạo cũng là cách cung cấp “thực phẩm” để nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn cho con người phát triển, để sống hạnh phúc và thành công hơn, thì “nguồn thực phẩm trí tuệ” đó cũng cần đảm bảo lành mạnh và cân đối. Cũng giống như đối với thức ăn, thông thường, chúng ta hay quá chú ý đến các chất bổ dưỡng như thịt, cá mà quên mất vai trò của vitamin và khoáng. Chúng ta có thể quá chú trọng đến mảng “kiến thức” trong “thực phẩm trí tuệ” mà quên hoặc xem nhẹ vai trò của kỹ năng, thái độ và cảm xúc. Chính kỹ năng, thái độ và cảm xúc sẽ quyết định kiến thức được hấp thụ thế nào, và sẽ được sử dụng ra sao trong cuộc sống sau này của người học. Như vậy, kiến thức là quan trọng, song có lẽ cách truyền tải kiến thức, đi kèm theo đó là các kỹ năng, thái độ nhận thức và cảm xúc của người học trong quá trình hấp thụ và ứng dụng kiến thức lại còn quan trọng hơn. Chúng có thể được coi như vitamin và khoáng chất – vi chất quan trọng của cuộc sống con người.
Nếu kiến thức không được cung cấp đúng cách, người học thiếu cảm xúc và nhận thức đúng đắn thì rất có thể sẽ sinh ra những học sinh, sinh viên, và sau này là người lao động “bệnh tật – bệnh tri thức”. Đó có thể là bệnh rối loạn hấp thụ khi kiến thức được nhồi nhét quá nhiều mà học sinh lại hiểu được rất ít, và từ đó còn có thể sinh ra sợ ăn, chán ăn – sợ học, chán học. Đó cũng có thể là bệnh “béo phì” về tri thức, có thể rất giỏi về một lĩnh vực nào đó song lại hoàn toàn ngô nghê, khiếm khuyết trong cuộc sống đời thường; hoặc có thể thi rất giỏi song không biết chủ động làm việc; cũng có thể rất thông minh và uyên bác, song lại rất ích kỷ, thiếu khả năng thấu cảm và quan tâm, không đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh, và bản thân họ vì thế cũng không có được thái độ sống tích cực để thực sự cảm thấy hạnh phúc.
Vậy, những vi chất của con người có thể lấy ở đâu? Cũng giống việc giảng dạy kiến thức trên lớp, chúng ta có thể nói với các em về tầm quan trọng của tình yêu thương, của sự hứng thú, của tinh thần trách nhiệm… Song, những kỹ năng, thái độ và cảm xúc chỉ thực sự học được, lĩnh hội được qua trải nghiệm của mỗi người, cả trong và ngoài lớp học. Cuộc sống tự bản thân nó luôn có rất nhiều điều chúng ta không thể lựa chọn được, con người tất yếu sẽ gặp những hoàn cảnh khác nhau, lúc thuận lợi, khi khó khăn, lúc đầy màu hồng, khi dường như u ám… và cũng sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, những vui những buồn, những lo lắng, ước mơ, hay niềm khắc khoải; những yêu thương, giận hờn, sự hưng phấn hay đôi khi là sự thất vọng… Điều quan trọng là con người được sống trong một môi trường lành mạnh, chưa bị cằn cỗi, lệch lạc để có thể tự tổng hợp những “vi chất” trí tuệ cần thiết cho cuộc sống của mình.
Một môi trường sống lành mạnh là môi trường mà trong đó con người được nâng đỡ, được hướng dẫn và được trải nghiệm để luôn giữ được niềm tin vào những giá trị bền vững của cuộc sống, rằng sự nỗ lực sẽ luôn được đền đáp, rằng sự quan tâm sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và cho người khác, sự dũng cảm dám vượt qua thử thách sẽ là điều kiện để dẫn đến thành công.
Đối với những người làm giáo dục, việc học tập không ngừng, qua sách vở, qua trải nghiệm, qua những cơ hội giao lưu học hỏi, trong nước và ngoài nước, từ những đất nước có nền giáo dục tiên tiến lâu đời sẽ là yếu tố hết sức cần thiết để tạo ra trong ngôi trường của mình những môi trường giáo dục trong lành và hiệu quả.
CCD đã và đang hết sức nỗ lực để đồng hành của các thầy cô giáo, các cha mẹ và chính bản thân các em tạo ra môi trường như vậy cho các em lớn lên với khát khao học hỏi để trang bị cho mình kiến thức, có tinh thần và khả năng vượt khó để đạt được thành công, có trái tim thấu cảm biết chia sẻ quan tâm và trân trọng những cơ hội của cuộc sống. Có được những diều đó, tin rằng các em sẽ có một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tiến sĩ Phan Thủy Chi
Giám đốc CCD
Nguyên Phó Viện trưởng,
Viện Đào tạo quốc tế,Trường Đại học Kinh tế Quốc dân