Những ngày gần đây, một video clip về cuộc phỏng vấn TS. Zack Bush đã tạo được một sự quan tâm lớn trên cộng đồng mạng, đặc biệt là cộng đồng của những người yêu thiên nhiên, hướng tới những hoạt động bảo vệ môi trường, quay về lối sống thuận tự nhiên.
Tiến sỹ Zach Bush đã đưa ra một góc nhìn mới mẻ, một góc nhìn cách mạng về Virus, trong đó không nhìn nhận virus như một chủng loài nguy hiểm xuất hiện hay được tạo ra để tấn công con người, là kẻ thù nguy hiểm dẫn đến chết chóc cho con người, mang đến đại dịch tàn phá thế giới loài người.
Từ những nghiên cứu của mình, ông đã chỉ ra bản chất về sự toàn vẹn và nhất thể của hệ sinh thái Trái Đất – Con người – Các quần thể virus. Sức khỏe của con người không thể nhìn nhận tách riêng khỏi sức khỏe của Trái đất: Không khí là lá phổi và Đất là lá gan của Hành tinh chúng ta. Và virus là một thành phần của tự nhiên, chúng biến đổi không ngừng để giúp lập lại cân bằng môi sinh khi con người thay đổi hành vi. Nhờ chúng mà sự sống được liên tục, bền lâu. Virus là bạn của con người, không phải thù. 50% bộ gen của chúng ta cấu thành từ gen của virus.
Con người không thể khỏe mạnh khi hành tinh Trái đất không khỏe mạnh.
Covid không trực tiếp gây ra hiện tượng thiếu oxy tế bào trầm trọng (rất nhiều người nhiễm covid mà không có biểu hiện này), nó chỉ làm bộc lộ những chỗ yếu của cơ thể do ảnh hưởng từ ô nhiễm đất và ô nhiễm không khí mà thôi.
Tiến sỹ Zach Bush không đơn giản là một nhà khoa học. Góc nhìn của ông về sự sống và cái chết tỏa đầy ánh sáng và trí tuệ. Tình yêu theo ông không phải là thứ mà bạn có thể cố gắng tạo ra từ tâm trí. Tình yêu là phản ứng của con người trước cái đẹp. Một khi bạn nhận ra vẻ đẹp muôn màu trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy yêu thương và được yêu thương. Ông kêu gọi mọi người hãy thôi trốn chạy, sợ hãi, chối bỏ cái chết vật lý, coi đó là là bước đi cần thiết giúp con người tái sinh, chuyển hóa, được trở về cội nguồn, nơi tràn ngập tình yêu thương.
Góc nhìn của ông sẽ dẫn tới một cách ứng xử khác với virus nói riêng và với hệ sinh thái trái đất, với môi trường sống nói chung. Nó thức tỉnh con người để nhận trách nhiệm về mình, về một cách sống không đúng đắn đã gây nên sự mất cân bằng nguy hiểm, mà virus ở đó để cảnh báo và để lập lại sự cân bằng đã bị phá vỡ, chứ không phải là tội đồ để hứng mọi tội lõi về thảm họa đại dịch được đặt tên theo chúng.
Tới một GÓC NHÌN MỚI VỀ GIÁO DỤC
Video này cho thấy một hành trình của cuộc đời ông, từ một sinh viên ngành kỹ thuật, ông đã chuyển sang ngành Y, bởi sự dẫn dắt của sự tò mỏ khám phá và tình yêu đối với sự sống. Rồi cũng từ tình yêu đối với sự sống mà ông quan tâm đến cái chết, đến căn bệnh ung thư, để rồi, như một lẽ tự nhiên, hành trình tìm lời giải cho căn bênh nan ý đó đã dẫn ông đến với dinh dưỡng, và đậu lại ở sự say mê nghiên cứu về hệ sinh thái của Đất Mẹ.
Hành trình dịch chuyển qua các ngành nghề khác nhau đó, hóa ra lại thể hiện một sự nhất quán tuyệt vời, ở sự tò mò khám phá, được dẫn lối bởi tình yêu đối với sự sống, tự nhiên như hơi thở, như nhịp đập của trái tim.
Mười phút cuối của video, trong mạch nguồn tuôn chảy thấm đẫm tình yêu đối với sự sống, những lời của nhà khoa học này lại đẹp đẽ và truyền cảm như tuyệt tác của một nhà văn.
Có người hỏi rằng, sao một nhà khoa học Mỹ mà lại có quan điểm rất “Phật” thế này?
Thực tế là, luôn tin, có một mẫu số chung cho vẻ đẹp của cuộc sống, của con người, nằm trong cái gốc của mọi tôn giáo, dù là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo hay bất kỳ một một loại đạo giáo nào, đó là Tính nhân văn. Nó chính là sự khao khát hướng tới vẻ đẹp thuần khiết của con người, như một phần của thiên nhên, của vũ trụ.
Chính tình yêu sự sống đã dẫn lối để Zach có thể bền bỉ tìm tòi nghiên cứu và đưa đến cho con người những sự thật nguyên bản. Thực tế, có rất nhiều sự thật đang bị che mờ bởi quá nhiều định kiến, bởi những niềm tin sai lệch của tư duy khoa học theo lối mòn, hoặc của khoa học bị dẫn dụ bởi những lợi ích phi nhân văn nào đó.
Câu hỏi dặt ra là, làm sao để có nhiều hơn những con người như Zach? Phải chăng cần một nền giáo dục có thể giúp cho con người hiểu được rằng, Cuộc sống là Hành trình của sự tò mò Khám phá, để Nhận ra, để Trân trọng và để Nuôi dưỡng Vẻ đẹp của Sự sống.
Và khi đó, cuộc sống sẽ là hành trình của niềm vui, của tỉnh thức, của lòng biết ơn, bởi nó được dẫn lối bởi vẻ đẹp mà ta có thể nhận thấy trong từng bước chân, chứ không phải là hành trình đầy lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi…, bởi sự đua chen, cạnh tranh để mưu sinh, để thành công.
Mưu sinh hay thành công, tự nó là kết quả của một quá trình trải nghiệm khám phá vẻ đẹp của cuộc sống mà thôi: vẻ đẹp của một mầm cây lớn lên, của một sinh vật vươn mình cảm nhận sự sống, vẻ đẹp trong nụ cười tươi sáng của những đứa trẻ được yêu thương, cả trong những giọt nước mắt hạnh phúc của những người mẹ trước sự trưởng thành của con, trong những hành vi cử chỉ trìu mến ấm áp dành cho những mối quan hệ tốt đẹp, hay trong sự hình thành của mỗi đồ vật được tạo nên qua lao động của con người, được thúc đẩy bởi tình yêu, muốn mang đến giá trị cho người khác…
Khi con người biết trân trọng sự sống, biết tận hưởng vẻ đẹp của nó, tỉnh thức với nó, nghĩa là có sự tò mò và ý chí khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, thì không khó khăn nào trong cuộc đời có thể nhấn chìm hay lấy mất đi niềm vui sống của họ.
Ngược lại, nếu con người không có được tinh thần tự do và ý chí khám phá đó, thì dù có đạt được bao nhiêu thành công, con người vẫn không thể có được niềm “an lạc” trong tâm, bởi trong lòng họ luôn có những nỗi sợ hãi của sự mong cầu
Câu chuyện giáo dục, hóa ra, không phải, và không nên là câu chuyện trang bị hành trang cho con người vượt trội, để mưu sinh, để thành công trong sự nghiệp, trong cuộc sống, mà Giáo dục là câu chuyện khơi gợi và truyền cho con trẻ tình yêu đối với Vẻ đẹp của Sự sống, để chúng biết tận hưởng vẻ đẹp đó, và nhận ra trách nhiệm/sứ mệnh của mình trong việc gìn giữ vun bồi vẻ đẹp của chính mình, cùng vẻ đẹp của muôn loài trên trái đất rất đỗi xinh đẹp, và cũng rất đỗi mong manh này?
Các bạn có đồng ý với nhận định đó không?
Phan Thủy Chi
Giám đốc Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD)